Lê Diệp Kiều Trang, cựu CEO Facebook Việt Nam và GoViet: “Hãy can đảm thay đổi”

Tại Lễ Khai giảng năm học 2019-2020 của Đại học Fulbright Việt Nam tháng 9 vừa qua, cựu CEO Facebook Việt Nam và GoViet Lê Diệp Kiều Trang (Christy Le) đã góp mặt với vai trò khách mời diễn thuyết. “Hãy can đảm là sự thay đổi mà các bạn muốn nhìn thấy cho thế giới của mình,” đây là thông điệp cô muốn gửi đến sinh viên Fulbright.

Lê Diệp Kiều Trang phát biểu khai giảng trường Fulbright

Ngày mai là ngày khai giảng thứ hai của trường ĐH Fulbright. Những người tin yêu vào giáo dục Việt Nam và tài năng Việt Nam chắc cũng có cảm giác háo hức và bồi hồi như mình.

Mình thật vinh dự được phát biểu trong ngày lễ khai giảng năm ngoái của trường. Nhân dịp mọi người nhắc lại, mình xin chia sẻ với các bạn, cùng chúc mừng ngày khai giảng lần thứ hai của trường vào ngày mai.

“Xin kính chào quý thầy cô! Xin chào tất cả các bạn sinh viên trường Đại học Fulbright!

Thật vinh dự được chia sẻ cùng các bạn một ngày vô cùng ý nghĩa không chỉ với các bạn tân sinh viên trường ĐH Fulbright, mà còn vô cùng ý nghĩa với nền giáo dục Việt Nam. Hôm nay là ngày khai giảng của lứa tân sinh viên đầu tiên của một trường ĐH Việt Nam đại diện cho tinh thần giáo dục khai phóng, vừa là niềm tự hào, vừa là niềm hy vọng của những người yêu Việt Nam, tin Việt Nam và tin tương lai của đất nước này sẽ được vun đắp từ tri thức và tinh thần sáng tạo, tự chủ.

20 năm trước, tôi cũng bằng tuổi các bạn, cũng bỡ ngỡ bước chân vào trường Đại Học, cũng háo hức với chặng đường được thoả sức học hỏi, khám phá thế giới, và cũng lo lắng, băn khoăn không biết mình thật sự là ai, và sẽ sống vì điều gì. Cũng giống các bạn, tôi cũng hãnh diện được học ở một trường ĐH tốt, là niềm tự hào và cũng gánh nhiều kỳ vọng của mọi người. Nhưng có điều khác, trường ĐH của tôi ở Anh, xung quanh người Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay, và cái tên Việt Nam đối với hầu hết những người trong trường gắn liền với một lịch sử nhiều biến động. Các bạn may mắn hơn rất nhiều, các bạn được học trên đất nước Việt Nam, tại một trường ĐH Việt Nam rất đáng tự hào, bên cạnh những đồng môn Việt Nam, đươc hướng dẫn và nâng đỡ bởi nhiều trí thức Việt Nam, trong và ngoài nước, qua nhiều thế hệ. Đó thật sự là một điều may mắn. Hãy trân trọng nó.

20 năm trước, chắc chắn tôi không thể nào hình dung mình được vinh dự phát biểu trong một ngày, có lẽ sẽ là ngày không bao giờ quên cho nhiều người tâm huyết với giáo dục Việt Nam. 20 năm trước, tôi cũng đã không hình dung nổi thế giới sẽ thay đổi nhiều đến vậy.

Ngày đó, hầu hết mọi người sống bằng điện thoại cố định, thậm chí là điện thoai xoay số, chứ không phải bằng nút bấm. Ngày nay, hơn 60% người chỉ biết đến điện thoại di động và không còn nhớ đến điện thoại cố định là gì.

Ngày đó, modem 56Kbps mới bắt đầu trở nên thông dụng. Ngày nay, tốc độ internet trung bình trên thế giới đã gần 23mbs, nhanh hơn 400 lần.

Ngày đó, dĩa CD bắt đầu thay thế dần băng cassette cho những bạn trẻ cool ngầu lưu trữ và chia sẻ nhac. Ngày nay, chắc là rất khó mới tìm ra thiết bị có thể đọc dĩa CD, còn âm nhạc thì được lưu trên ổ cứng thể rắn hoặc được tải và phát trực tiếp.

Ngày đó, nhiếp ảnh chủ yếu là dùng phim. Ngày nay, chỉ có những tay chơi ảnh mới dám bỏ tiền ra rửa phim vì trên thế giới không còn nhiều tiệm rửa phim nữa. Gần như 100% hình ảnh ở dạng kỹ thuật số, hình chụp xong xem được ngay mà không tốn tiền.
Ngày đó, Bách Khoa Toàn Thư Britannica và phần mềm Encarta của Microsoft là điểm đến của tra cứu thông tin. Ngày nay, thông tin thuộc về công chúng qua các cổng Wikipedia và Google.

Ngày đó, rất nhiều thành công quan trọng của khoa học vẫn chưa được khám phá, như hạt Higgs Bosons, sóng hấp dẫn và graphene. Ngay cả địa lý thế giới cũng có nhiều thay đổi: Đông Timor, Serbia, Montenegro và Nam Sudan vẫn chưa là một quốc gia. Châu Âu lúc đó có 19 đồng tiền khác biệt thay vì đồng tiền chung Euro như chúng ta biết ngày nay.

Ngày đó, bay dễ hơn nhiều, chỉ cần đến phi trường, kiểm tra một chút là được lên máy bay, và muốn đem gì lên cũng được. Không có gì khó. Ngày nay, chiếu x-quang, scan toàn thân, nhiều khi còn kiểm tra lần thứ hai nữa để tìm ra bất kỳ thứ gì có thể được coi là nguy hiểm cho phi hành đoàn.

Và cũng không bất ngờ, một số công ty lớn nhất thời đó , hay những ngành công nghiệp thịnh vượng trong năm 1999 đã không còn tồn tại trong ngày hôm nay.

Và ngược lại, trong suốt 20 năm qua, chúng ta đã khai sinh một số nền công nghiệp mà ngày đó không ai nghĩ đến – mạng xã hội, nền kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, giải trí theo yêu cầu và xe vận hành bằng điện. Thật ra, hôm nay cũng có những nghề mà nếu quay về năm 1999, không ai có thể nghĩ ra: ví dụ nhà khoa học dữ liệu, kỹ sư trí tuệ nhân tạo, chuyên viên tiếp thị số, online influencer (chắc dịch là người ảnh hưởng trên cộng đồng mạng)

Vậy nhưng, các bạn biết không, mọi thứ chỉ mới bắt đầu.

Vâng, tôi muốn nói với các bạn rằng, thật ra, các bạn vẫn chưa thấy hết. Vì cũng giống như thế hệ của chúng tôi đã nhìn thấy những ngành công nghiệp chết đi, nhường chỗ cho những ngành công nghiệp mới, các bạn cũng sẽ thấy y như vậy trong 20 năm sắp tới. Tôi tin chắc rằng ngay cả ngành y tế, vận tải, năng lượng, thậm chí là ngôn ngữ cũng sẽ chuyển mình tiến hoá, không còn giống như những gì chúng ta nhìn thấy ngày hôm nay.

Tôi không hình dung được con người sẽ vẫn sử dụng bác sĩ gia đình, vì các phương pháp chẩn đoán dựa trên trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế bác sĩ.

Sẽ không có thông dịch viên, cũng không có người dạy lái xe vì máy tính thông minh, tự vận hành sẽ làm được những điều này còn giỏi hơn con người.

Ngành vận tải sẽ được vận hành bằng drones tự lái

Con người sẽ không còn làm ô nhiễm không khí bằng cách đốt nhiên liệu, thay vào đó xe điện được sạc từ mặt đường sẽ trở nên thông dụng.

Và hơn cả, nhựa sẽ tự tiêu huỷ. Chúng ta sẽ không để lại cho thế hệ tương lai gánh nặng về ô nhiễm môi trường.

Vậy nên, các bạn hãy sẵn sàng cho một hành trình kỳ thú.

Ngày hôm nay, chúng ta vẫn chưa có công nghệ du hành thời gian, nên để quay được về quá khứ 20 năm trước nhắn nhủ cho chính mình năm 19 tuổi chắc chỉ có trong khoa học viễn tưởng. Nhưng qua các bạn, tôi có may mắn thực hiện được điều đó. Nếu dành cho chính mình năm 19 tuổi những lời khuyên, tôi nghĩ tôi có 3 điều muốn nói:

Điều thứ nhất, hãy sớm rèn luyện cho mình những thói quen tốt. Hãy đặt mục tiêu cho những thắng lợi nhỏ, chậm rãi nhưng đều đặn, và vượt qua sự chán nản của bản thân.

Có lần Jeff Bezos hỏi Warren Buffet “Nguyên tắc đầu tư của ông rất đơn giản… và ông là người giàu đứng thứ hai trên thế giới. Đơn giản vậy, sao người ta không bắt chước ông?” Và Buffet trả lời “Bởi vì chả ai muốn làm giàu từ từ cả”.

Bill Gates khi nói về cuốn sách huyền thoại của Donald Knuth mang tên “Nghệ thuật lập trình máy tính”: “Cần phải vô cùng kỷ luật và mất nhiều tháng liền tôi mới đọc hết cuốn sách đó. Mỗi lần tôi đọc 20 trang, bỏ đi 1 tuần, rồi tôi quay lại đọc tiếp 20 trang… Ai mà đọc hết cuốn đó thì nhớ gửi tôi CV”.

Điều thứ hai, đừng theo đuổi đam mê của mình. Trái với những lời khuyên các bạn thường nghe, tôi tin rằng mình nên theo đuổi những gì mình giỏi, và khi mình giỏi, mình sẽ dễ trở nên đam mê hơn.

Mark Cuban có nói: “Không ai bỏ những gì mình làm giỏi, vì ai cũng thích giỏi. Ai cũng thích là người xuất sắc. Nhưng để trở nên xuất sắc, ai cũng phải cố gắng rèn luyện. Vậy nên đừng theo đuổi đam mê, hãy theo đuổi sự rèn luyện. Điều duy nhất trong cuộc đời này các bạn có thể kiếm soát được, đó là sự cố gắng của bản thân”.

Và điều thứ ba, điều cuối cùng, hãy đầu tư vào tình bạn.

Đây có lẽ là điều quan trọng nhất. Chúng ta có thể kết bạn mới, nhưng không ai có thể trong tích tắc tạo ra những người bạn vong niên. 20 năm, 40 năm nữa, tài sản của các bạn sẽ được đo bằng số lượng, chất lượng và sự sâu sắc của những tình bạn mà các bạn vun đắp ngày hôm nay. Hãy đừng quên, cuộc sống này không phải là vì mình, mà luôn là vì người khác.

Và xin nhớ rằng, đừng đánh rơi ai lại ở phía sau.

Hãy đừng chỉ tập trung phát triển cá nhân mình. Có người hỏi tôi – có phải loài người chúng ta đang đi đúng hướng? Các bạn nghĩ sao?

Con người đúng là đã có điện thoại thông mình, có internet, có mạng xã hội. Và quan trọng hơn, hầu như tất cả các chỉ số y tế đều được cải thiện trong 20 năm qua: tỷ lệ chết của trẻ sơ sinh: giảm, tỷ lệ suy dinh dưỡng: giảm, tuổi thọ trung bình: tăng. Gần như tất cả những chỉ số phát triển con người đều được cải thiện: tỷ lệ nghèo đói: giảm, tỷ lệ mù chữ: giảm, tỷ lệ ứng dụng công nghệ: tăng, GDP đầu người và chỉ số năng suất cũng tăng.

Điều này đúng cho hầu hết chúng ta.

Nhưng, đối với 1 tỷ người rớt lại (đó là tên một cuốn sách của Paul Collier nếu các bạn muốn tìm hiểu), đó là 1 tỷ người nghèo nhất trên thế giới. Chúng ta đang nói đến những người sống ở Châu Phi phía Nam Sahara, những người sống ở nông thôn Ấn Độ và Đông Nam Á, những người Châu Mỹ La tinh… Các bạn biết không, trong 20 năm qua, đối với họ, tất cả những chỉ số này đều tệ đi theo giá trị tuyệt đối.

Vậy nên, có phải loài người chúng ta đang đi đúng hướng? Câu trả lời là KHÔNG. Loài người chỉ đi đúng hướng nếu tất cả chúng ta cùng đi đúng hướng.

Vậy hãy thay đổi nó. Hãy can đảm là sự thay đổi mà các bạn muốn nhìn thấy cho thế giới của mình.

Chúc mừng một khởi đầu mới. Chúc các bạn một hành trình thú vị, luôn tìm tòi khám phá, không ngừng học hỏi, ứng dụng, và không ngừng đóng góp cho cuộc sống.”

Lê Diệp Kiều Trang

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart